Hotline đặt Bánh sinh nhật

Hà Nội: 03.666.22.666

Anmitsu – Món tráng miệng thanh nhiệt cho những ngày nắng nóng

Cập nhật: 15/05/2014 - 21:08 ( Lượt xem: 6.033 )

Anmitsu (あんみつ) là món tráng miệng yêu thích vào mùa hè của người Nhật. Bao gồm thạch, các loại đậu (như đậu đỏ azuki, đậu hà lan…), trái cây, kem và siro.

Hunnie Cake (Lambanhngon.com) - Dạy làm bánh - Đặt bánh cưới, sinh nhật

Nguyên liệu:

(4~6 khẩu phần)

  • 1 chén kanten (thạch)
  • 1 chén mochi hoặc shiratama dango
  • 6 muỗng canh anko (tương đậu đỏ)
  • 6 muỗng kem (tùy sở thích)
  • Trái cây tươi (tùy sở thích) – ở đây chúng ta sử dụng chuối, kiwi và dâu tây
  • Kuromitsu (siro đường đen)
  • Đậu luộc (tùy sở thích) – ở đây chúng ta dùng đậu endomame

Chuẩn bị:

1. Kanten 

Thạch làm từ bột agar người Nhật gọi là kanten. Kanten chứa nhiều chất xơ, không mùi, không vị và có màu hơi đục. Kanten thường được dùng làm những món tráng miệng, wagashi mà phổ biến nhất là Anmitsu và Mizu Yokan.

Nguyên liệu:

  • 4g bột agar
  • 500ml nước
  • 2 muỗng canh đường (ít hoặc nhiều hơn tùy khẩu vị)

Cách làm:

1. Cho nước và bột vào 1 nồi nhỏ

2. Khuấy đều để bột tan trong nước. Đun ở lửa vừa.

3. Khi hỗn hợp đã sôi, thêm đường và đun tiếp trong 2′.

4. Đổ hỗn hợp vào khay/khuôn để nguội.

5. Cắt vừa ăn, tùy mục đích sử dụng. Có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 ngày.

2. Shiratama Dango

Shiratama Dango (白玉団子) là một loại mochi được làm từ bột gạo nếp. Có 2 loại bột thông dụng là shiratamako (白玉粉) và mochiko (餅粉). Để làm Shiratama Dango thì chúng ta nên sử dụng bột shiratama sẽ giúp thành phẩm mịn và có độ đàn hồi cao hơn.

Nguyên liệu:

* Nếu bạn sử dụng bột mochi

  • 50g bột
  • 2 muỗng canh nước
  • ½ muỗng cà phê đường

* Nếu bạn sử dụng bột shiratama

  • 40g bột
  • 3 muỗng canh nước
  • ½ muỗng cà phê đường

Cách làm:

1. Trộn đều bột, nước, đường trong một tô lớn.

2. Dùng tay nhào bột. Tốt nhất là nên làm ướt tay trước.

3. Nhào đến khi bột kết thành một quả bóng với độ mềm, dẻo ưng ý.

4. Nặn bột thành khối dài.

5. Sau đó chia nhỏ ra (khoảng 16 viên) nặn thành những hình cầu nhỏ.

6. Dùng ngón trỏ đè ngay giữa viên bột nhỏ. Như thế vừa tạo hình cho Shiratama Dango lại vừa giúp bột nhanh chín mà không bị nhão.

7. Đun những viên Shiratama Dango vừa nặn được khoảng 2′.

8. Khi bột nổi lên, vớt ra và ngâm ngay vào nước đá.

Shiratama Dango giữ được độ mềm và dai trong khoảng 30′, vì vậy nếu chưa sử dụng ngay, bạn cứ ngâm chúng trong nước và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Nếu đã để quá lâu và bột bị sượng cứng, bạn có thể nấu sơ lại trước khi dùng.

3. Anko

Anko là tương được làm từ đậu đỏ azuki, có 2 loại Anko phổ biến là Tsubuan và Koshian. Về căn bản thì hương vị giống nhau, chỉ khác là Koshian được lọc bỏ vỏ nên mịn hơn Tsubuan.

Anko thường được dùng làm nguyên liệu cho các món như Anmitsu, Daifuku, Dango, Dorayaki, Manju, Oshiruko / Zenzai, Taiyaki hay Yokan.

Nguyên liệu:

  • 200g đậu đỏ azuki
  • Nước
  • 200g đường cát trắng
  • Một ít muối

Cách làm:

1. Ngâm đậu qua đêm.

2. Rửa đậu thật sạch.

3. Dùng nồi lớn vì khi chín đậu nở, khối lượng sẽ tăng gấp đôi. Đổ nước ngập quá đậu khoảng 2 đốt tay. Mở lửa lớn.

4. Khi nước đã sôi, tắt bếp và để thêm 5′.

5. Đổ đậu vào rổ cho ráo nước.

6. Thêm nước như lúc đầu và đun lửa lớn. Khi nước đã sôi, giảm lửa đun đến khi đậu nhừ.

* Đậu đỏ có chất độc, vì vậy bạn nhất định phải ngâm qua đêm hoặc trên 12 tiếng. Đun sôi bỏ nước đầu rồi mới tiếp tục chế biến.

7. Canh để châm thêm nước khi nồi cạn.

8. Dùng muỗng hoặc tay thử xem đậu đã nhừ chưa.

9. Khi đậu nhừ, mở lửa to, thêm đường và khuấy đều tay. Tiếp tục thêm muối, trộn đều rồi tắt bếp.

10. Đừng để đậu trong nồi mà trải đều ra đĩa hoặc khay cho nhanh nguội. Nếu chưa sử dụng ngay, có thể chia nhỏ bọc trong màng thực phẩm và bảo quản trong ngăn lạnh, ở nhiệt độ thích hợp bạn có thể trữ được hơn 1 tháng.

4. Kuromitsu

Kuromitsu nghĩa đen là “mật ong đen”, là loại siro làm từ đường đen chưa tinh chế gọi là kurozato của Okinawa. Nó cũng giống như đường mật nhưng vị thanh và ít ngọt hơn. Kurozato là loại đường rất tốt cho sức khỏe.

Bạn có thể tìm mua Kuromitsu (như hình trên) ở các cửa hàng đồ Nhật hoặc tự làm ở nhà.

* Ở VN nếu khó tìm đường đen, mình có thể thay bằng đường vàng, đương nhiên chất lượng hình ảnh và mùi vị sẽ không bằng ^^

Nguyên liệu

  • 100g đường đen kurozato
  • 100g đường cát
  • 100ml nước

Cách làm:

1. Trộn các thành phần trong nồi nhỏ, đun ở lửa vừa.

2. Khi hỗn hợp đã sôi, giảm lửa nhỏ hơn, đun tiếp khoảng 15~20′. Khuấy đều tay để đường tan hoàn toàn trong nước, đến lúc đạt độ sệt ưng ý thì tắt bếp.

3. Bảo quản ở nơi thoáng mát trong bình hoặc chai thủy tinh.

Cách làm Anmitsu

Nếu bạn đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu phía trên rồi thì những bước tiếp theo sẽ vô cùng đơn giản.

1. Cắt trái cây thành miếng vừa ăn.

2. Xếp thạch, trái cây, shiratama dango, anko và kem vào bát.

3. Thêm kuromitsu lên trên là hoàn thành.

Tên gọi một số món ăn liên quan khác

♥ Kanten (thạch) + kuromitsu (siro đường đen) + đậu luộc = Mitsumame

♥ Mitsumame + trái cây = Fruits Mitsumame.

♥ Mitsumame + shiratama dango = Shiratama Mitsumame

♥ Mitsumame + kem = Cream Mitsumame

♥ Mitsumame + anko = Anmitsu

♥ Mitsumame + anko + kem = Cream Anmitsu.

♥ Mitsumame + anko + kem + shiratama dango = Shiratama Cream Anmitsu

♥ Mitsumame + anko + kem + shiratama dango + trái cây = Fruits Shiratama Cream

Kasumi (Dịch từ JOCB)

http://ogatakasumi.wordpress.com/2014/03/15/recipe-anmitsu-mon-trang-mieng-thanh-nhiet-cho-nhung-ngay-nang-nong/

Mẫu bánh sinh nhật mới