So sánh sự khác biệt giữa bột mì đa dụng (all purpose flour), bột bánh mì (bread flour), bột bánh (pastry flour), và bột bánh bông lan (cake flour).
Bột mì đa dụng, bột bánh mì, bột bánh và bột bánh bông lan tất cả đều được làm từ được làm từ lúa mì (wheat), do hàm lượng protein của mỗi loại bột khác nhau tạo nên sự khác biệt. Loại bột có hàm lượng protein cao sẽ tạo ra nhiều gluten hơn (gluten là một chất có trong hạt ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì, chất này giúp tạo ra kết cấu dai, đàn hồi cho bột), và những loại bột có hàm lượng protein thấp hơn sẽ tạo ra ít gluten hơn (bánh sẽ mềm xốp, mịn hơn). Để dễ nhớ, trong tiếng Anh người ta thường nghĩ đến 3 chữ ‘LLL’ có nghĩa là Low protein, Less gluten, Light texture (bột ít protein, ít gluten, bánh mềm nhẹ).
Bột mì đa dụng (all purpose flour):
Đây là loại bột thông dụng và được nhắc tới nhiều nhất. Bản thân tên gọi của nó cũng đã nói lên tất cả rồi đó: Đa dụng! Nếu bạn chỉ có thể dự trữ một loại bột thì bột mì đa dụng là lựa chọn ưu tiên.
Bột mì đa dụng là một loại bột có kết cấu với hàm lượng protein xấp xỉ từ 9 đến 11 % tùy thuộc vào nhà sản xuất và loại lúa mì được sử dụng. Bột mì đa dụng có mức protein trung bình do vậy nó trở thành lựa chọn thích hợp cho hầu hết các loại bánh nướng. Lượng protein tương ứng với lượng gluten được hình thành khi bột tiếp xúc với nước.
Bột mì đa dụng còn là một loại bột ổn định hơn về mặt bảo quản và tuổi thọ bột so với các loại bột khác vì đã được loại bỏ phần cám và mầm trong quá trình chế biến và nghiền.
Các công thức sử dụng bột mì đa dụng đều có thể thay thế bằng bột bánh mì với tỉ lệ 1:1. Tất nhiên nó sẽ không hoàn toàn giống nhau về mặt kết cấu, nhưng cũng đủ gần giống như bạn mong đợi. Ví dụ bột bánh mì sẽ cho ra bánh có độ dai và chắc hơn (chewier).
Bột bánh mì (bread flour):
Bột bánh mì có hàm lượng protein khoảng 13 đến 16 %, loại bột này có hàm lượng gluten cao là do sự pha trộn của bột mì hard-wheat 99.8% với một chút bột mạch nha (malt barley), cộng với vitamin C hoặc potassium bromate, giúp làm tăng độ đàn hồi gluten. Nói chung, loại bột bánh mì này là lựa chọn tốt nhất để làm các loại bánh mì với men (yeast).
Bạn có thể thay thế bột bánh mì bằng bột mì đa dụng theo tỷ lệ 1: 1. Thành phẩm cho ra sẽ gần giống như bạn mong muốn, nhưng tất nhiên sẽ ít dai hơn. Đối với các bánh có độ mềm xốp thì bạn không nên sử dụng bột bánh mì để thay thế nha.
Bột bánh (pastry flour), và bột bánh bông lan (cake flour):
Mặc dù hai loại bột này không hoàn toàn giống nhau, nhưng cả hai loại đều là bột mềm có kết cấu mịn với hàm lượng protein thấp. Bột bánh pastry có hàm lượng protein xấp xỉ 9%, trong khi bột bánh bông lan có hàm lượng protein khoảng 7 đến 8 %. Hai loại bột này mặc dù có hàm lượng protein thấp nhưng đủ để tạo ra cấu trúc bánh mềm xốp, mịn và nhẹ.
Bạn có thể sử dụng bột mì đa dụng để thay thế bột bánh pastry hoặc bột bánh bông lan theo tỷ lệ:
100 gr bột bánh bông lan = 85 gr bột mì đa dụng và 15 gr bột bắp (cornstarch)
100 gr bột bánh pastry = 50 gr bột bánh bông lan và 50 gr bột mì đa dụng
Hai dạng bột bánh và bột bánh bông lan thường sử dụng cho những loại bánh nổi cao, kết cấu nhẹ, mềm và mịn. Bạn lưu ý không sử dụng hai loại bột này cho các công thức bánh có cấu trúc đặc, chắc hoặc dai như bánh mì, bagels, hoặc mì ống... nha.
Linda hy vọng bài viết này sẽ đem lại một số thông tin giúp các bạn làm bếp dễ dàng hơn.
Happy cooking!
#Lindahocnauan
#Lindalearnstocook